Cách tính lương hưu như thế nào và điều kiện để hưởng lương hưu là gì được coi là mối quan tâm chung của rất nhiều người lao động hiện nay. Hiểu được điều đó, ngay sau đây chúng tôi sẽ gửi tới bạn cách tính lương hưu cụ thể và chi tiết nhất 2022!
Lương hưu hàng tháng được xác định bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc; hoặc bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân và mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đầu năm 2021, Nhà nước đã có một số thay đổi trong công thức tính lương hưu cho người lao động. Cùng tìm hiểu những thông tin mới nhất về lương hưu, cách tính lương hưu trong bài viết này nhé!
Mục Lục Bài Viết
I. Khái quát về lương hưu
Khái quát về lương hưu
1. Lương hưu là gì?
Lương hưu là cụm từ rất quen thuộc và là mong muốn trong suốt quá trình làm việc của người lao động. Lương hưu còn có tên gọi khác là tiền hưu trí, chỉ các khoản tiền mà doanh nghiệp và xã hội chi trả cho người lao động sau khi về hưu. Tùy thuộc vào đặc thù và tính chất riêng của từng nghề nghiệp khác nhau mà lương hưu có thể được chi trả 1 lần hoặc hàng tháng theo quy định của nhà nước. Tiền hưu trí có thể được lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước chi trả hoặc cũng có thể từ quỹ hưu trí do các công ty bảo hiểm tư nhân thanh toán cho người lao động.
2. Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động
Theo quy định của điều 54 thuộc Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trong trường hợp đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và nằm trong số các trường hợp kể sau:
-
Lao động từ đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ.
-
Lao động từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi đối với nữ; đồng thời có đủ 15 năm làm các công việc nặng nhọc hoặc độc hại và có tính chất nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm; những nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0.7 trở lên.
-
Lao động trong độ tuổi từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên mà trong số đó có đủ 15 năm làm các công việc liên quan tới khai thác than trong hầm lò nguy hiểm, độc hại theo quy định.
-
Người lao động bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp dẫn tới bị nhiễm HIV/AIDS.
II. Cách tính lương hưu
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tính lương hưu theo quy định của nhà nước mà bạn có thể tham khảo, bao gồm:
-
Cách tính lương hưu năm 2014
-
Cách tính lương hưu năm 2017
-
Cách tính lương hưu năm 2018
-
Cách tính lương hưu từ 1/1/2018
-
Cách tính lương hưu năm 2019
-
Cách tính lương hưu năm 2020
-
Cách tính lương hưu cho cán bộ nhà nước nghỉ hưu theo quy định của luật mới.
-
Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội
-
Cách tính lương hưu hàng tháng
-
Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện
-
Cách tính lương hưu theo nghị định 108
-
Cách tính lương hưu cho doanh nghiệp tư nhân
-
Cách tính lương hưu trước tuổi
Từ ngày 01/01/2021, điều kiện hưởng lương hưu thay đổi khá nhiều so với quy định hiện nay. Dưới đây là cách tính lương hưu từ năm 2021 cho người nghỉ hưu chi tiết nhất.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính tương ứng với số năm đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng tối thiểu là 45% và tối đa là 75%.
Trong đó, nếu người lao động nghỉ hưu từ năm 2021 thì:
– Lao động nam: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
– Với lao động nữ: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
Để hướng dẫn chi tiết hơn quy định này, Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP nêu rõ công thức tính lương hưu như sau:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó:
1/ Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng năm được xác định như sau:
Với lao động nam
– Hưởng lương hưu từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021: Đóng BHXH đủ 19 năm thì được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm đóng thêm BHXH thì cộng thêm 2%, tối đa là 75%.
Ví dụ:
Ông A làm việc trong điều kiện bình thường và đến năm 2021 đủ tuổi nghỉ hưu. Tính đến thời điểm nghỉ, ông có 29 năm đóng BHXH. Lương hưu hàng tháng của ông được tính: 19 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm đóng BHXH còn lại = 10 x 2% = 20%.
Vậy lương hưu hàng tháng của ông A sẽ bằng 65% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
– Hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: Đóng BHXH đủ 20 năm thì được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, tối đa là 75%.
Ví dụ: Ông B nghỉ hưu năm 2022 và lúc nghỉ hưu, ông có 30 năm đóng BHXH. Khi đó, mức lương hưu của ông B bằng 65% mức bình quân tiền lương đóng BHXH: 20 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm đóng BHXH còn lại = 10 x 2% = 20%.
Với lao động nữ
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 115 năm 2015, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2021 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Ví dụ: Bà C đã tham gia BHXH được 25 năm và năm 2021 bà C nghỉ hưu thì bà C được hưởng lương hưu bằng 65% (15 năm đầu tiên đóng BHXH = 45%; 10 năm tiếp theo đóng BHXH là 10 x 2% = 20%).
Cách tính lương hưu
1. Tỷ lệ hưởng lương hưu
Tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ có sự khác biệt giữa các thời điểm về hưu của người lao động. Cụ thể là:
-
Đối với người lao động về hưu trước ngày 1/1/2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ được xác định theo cách tính lương hưu 2018 trở về trước mà mới nhất là cách tính lương hưu 2017:
Với nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2%
Với nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 3%
-
Đối với người lao động về hưu bắt đầu từ ngày 1/1/2018 trở đi thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ được tính theo cách tính lương hưu sau năm 2018 mà mới nhất hiện nay là cách tính lương hưu 2019. Cụ thể là:
Đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2%
Đối với nam:
+ Về hưu từ 01/01/2018: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 16 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2019: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 17 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2020: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 18 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2021: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 19 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2022: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 20 năm) x 2%.
2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Căn cứ Điều 9 Nghị định 115 năm 2015, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu của người lao động được quy định cụ thể như sau:
– Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:
STT |
Thời gian bắt đầu tham gia BHXH |
Tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
1 |
Trước ngày 01/01/1995 |
Của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
2 |
Từ 01/01/1995 – 31/12/2000 |
Của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
3 |
Từ 01/01/2001 – 31/12/2006 |
Của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
4 |
Từ 01/01/2007- 31/12/2015 |
Của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
5 |
Từ 01/01/2016 – 31/12/2019 |
Của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
6 |
Từ 01/01/2020 – 31/12/2024 |
Của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu |
7 |
Từ 01/01/2025 trở đi |
Của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian |
– Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
– Người lao động có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính chung của các thời gian.
– Người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên thì lấy mức lương cao nhất của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đã nêu ở bảng trên nếu là sĩ quan quân đội, công an…
– Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi: Tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ việc;
– Người lao động đã đóng BHXH có phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành khác không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề: Lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu cộng với phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) theo thời gian đã đóng BHXH gồm phụ cấp thâm niên nghề chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm nghỉ hưu để tính lương hưu.
-
Trường hợp người lao động nằm trong cả 2 trường hợp kể trên, nghĩa là thời gian đóng BHXH theo tiền lương hàng tháng vừa do người sử dụng lao động quyết định lại vừa do Nhà nước quy định thì công thức tính sẽ thay đổi như sau:
Như vậy, người lao động có thể căn cứ vào tình hình thực tế của mình để xác định tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH một cách chính xác, từ đó dễ dàng tính toán được mức lương hưu mà mình được hưởng theo quy định.
>>> Cách tính lương Gross sang Net, Net sang Gross chuẩn nhất 2022
III. Cách tính lương hưu bình quân 5 năm cuối
Cách tính lương hưu bình quân 5 năm cuối
Cách tính lương hưu bình quân 5 năm cuối được quy định rất chi tiết tại điểm a khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội. Theo đó, các trường hợp xác định mức lương hưu của người lao động sẽ được tính như sau:
-
Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia đóng BHXH từ trước ngày 1/1/1995 thì mức bình quân tiền lương sẽ được tính bằng thương số của tổng tiền lương tháng đóng BHXH trong 5 năm cuối trước khi về hưu chia cho 60 tháng.
M = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH trong 5 năm cuối / 60 (tháng).
-
Ngoài trường hợp kể trên, mức lương bình quân của người lao động sẽ không được áp dụng cách tính lương hưu bình quân 5 năm cuối mà được xác định theo từng mốc thời gian cụ thể:
Thời gian bắt đầu tham gia BHXH |
Số năm tính bình quân tiền lương |
Từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 |
6 năm |
Từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 |
8 năm |
Từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 |
10 năm |
Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 |
15 năm |
Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 |
20 năm |
Từ ngày 1/1/2025 trở đi |
Toàn bộ thời gian đóng BHXH |
Toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định |
Toàn bộ thời gian đóng BHXH |
IV. Ví dụ cách tính lương hưu
Hiện nay có rất nhiều mẫu ví dụ cách tính lương hưu để người lao động tham khảo. Tuy nhiên phổ biến nhất có lẽ là ví dụ về cách tính lương hưu của giáo viên. Sau đây, mangtuyendung sẽ đưa ra một ví dụ để người lao động hiểu hơn về cách áp dụng công thức tính lương hưu trong trường hợp cụ thể.
Một lao động nữ là giáo viên tiểu học theo biên chế của Nhà nước bắt đầu từ tháng 9/1987, đóng BHXH trong toàn bộ thời gian công tác và đến ngày 12/4/2017 khi người này đủ 55 tuổi đã nghỉ hưu theo đúng quy định. Trong trường hợp này, mức lương hưu sẽ được xác định như thế nào?
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng xét lương hưu là nữ, đã đủ độ tuổi nghỉ hưu và đã có đủ 20 năm đóng BHXH tính đến hết ngày 12/4/2017 (9/1987 đến 12/4/2017) sẽ được tính lương cho 29 năm 7 tháng tham gia đóng BHXH. Theo quy định thì thời gian đóng BHXH lẻ từ 7 tháng trở lên sẽ được làm tròn thành 1 năm nên cách tính lương hưu giáo viên của người lao động này sẽ là:
-
15 năm đầu tiên tham gia đóng BHXH sẽ tương ứng với 45%
-
Kể từ năm thứ 16 tham gia đóng BHXH trở đi thì mỗi năm mức lương của người lao động sẽ được tính thêm 3%, như vậy sẽ là 15 x 3% = 45%
-
Tổng 2 tỷ lệ trên cho 29 năm 7 tháng (làm tròn thành 30 năm) = 45% + 45% = 90%
Tuy nhiên cũng theo quy định, tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động không được vượt quá 75% nên trong trường hợp này mức lương hưu sẽ bằng 75% mức lương bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu. Do người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ 9/1987 (trước ngày 1/1/1995) nên mức lương bình quân sẽ được tính là trung bình của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu (lấy tổng số tiền lương của 5 năm cuối / 60 tháng).
V. Cập nhật: Tăng thêm 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 1.1.2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định 108/2021/NQ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1-1-2022.
Theo đó, từ ngày 1-1-2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021 đối với các đối tượng sau:
1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg về việc chuyển bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An sang bảo hiểm xã hội tự nguyện);
Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại:
– Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
– Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
– Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
– Nghị định 09/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo:
– Quyết định 91/2000/QĐ-TTg về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Quyết định 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;
– Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP ngày 20-6-1975 và Quyết định 111-HĐBT về việc sửa đổi một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.
5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (được sửa đổi bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).
6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.
7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
8. Ngoài ra, các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng; cũng thuộc đối tượng điều chỉnh.
Theo đó, tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
VI. Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về cách tính lương hưu trong từng trường hợp mà chúng tôi muốn gửi tới bạn. Hy vọng rằng thông qua bài viết này bạn đã biết cách xác định chính xác mức lương hưu được hưởng cho mình và người thân. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết và hẹn gặp lại bạn ở những bản tin tiếp theo của mangtuyendung!